Nón bài thơ – Nét đẹp xứ Huế

“Người xứ Huế yêu thơ và nhạc lễ

Tà áo dài trắng nhẹ nhàng bay

Nón bài thơ e lệ trong tay

Thầm bước lặng, những khi trời dịu nắng”

Từ lâu nón bài thơ đã trở thành một trong những nét đẹp đặc trưng của văn hóa Huế. Với người dân xứ Huế, nón lá bài thơ không chỉ là vật dụng để che nắng, che mưa, mà hơn thế nó đã trở thành một biểu tượng riêng và gắn liền với hình ảnh người con gái Huế dịu dàng e ấp. Hãy cùng Huế Smile Travel điểm qua đôi nét về chiếc nón bài thơ Huế nhé!

Đôi nét về chiếc “Nón lá bài thơ” 

Khi đến với mảnh đất cố đô này, điều mà bạn dễ dàng bắt gặp được đó chính là hình ảnh của những chiếc nón bài thơ. Theo như Huế Smile Travel được biết, để làm nổi bật và khiến cho những chiếc nón lá bài thơ xứ huế trở nên đặc biệt hơn, các nghệ nhân đã ép những bức tranh của sông Hương, núi Ngự vào trong từng chiếc nón, không những thế một số nghệ nhân còn đưa hẳn thơ ca vào giữa hai lớp lá.

Đã có ai từng thắc mắc rằng tại sao lại gọi là “nón bài thơ”, mà không gọi là “nón lá” như thông thường không? Thực ra tên gọi của nó bắt nguồn từ chính đặc điểm nổi bật mà nó mang lại. Nếu để ý các bạn có thể thấy khi soi lên ánh sáng thì bạn có thể thấy một bài thơ hay hình ảnh hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối hiện lên giữa hai lớp lá nón.

XEM THÊM: Điện Hòn Chén – Di tích ẩn chứa nhiều giai thoại kỳ bí

Nghề nón ở Huế có nhiều điều thật lạ, không có ông tổ nghề nhưng người làm nghề có ở khắp nơi. Huế cũng có những làng nghề nón nổi tiếng như làng Đồng Di – Tây Hồ – La Ỷ – Nam Phổ (huyện Phú Vang) – Phủ Cam – Đốc Sơ (thành phố Huế). Mỗi làng lại chuyên về một loại nón. Làm nón 3 lớp đẹp thì có La Ỷ, Nam Phổ, Đốc Sơ; làm nón lá bài thơ nổi tiếng thì có Đồng Di – Tây Hồ – Phủ Cam. Trong cấu tạo hình dáng và độ thanh mảnh thì nón Huế có những điểm khác biệt so với nón ở các vùng miền khác. Cho nên, dẫu đều là nón lá nhưng với những đặc điểm riêng của mình, dù đặt ở đâu nón Huế cũng được nhận ra ngay.

Trông những chiếc nón có vẻ nhỏ gọn, thế nhưng công đoạn làm ra nó thật sự không hề đơn giản chút nào. Nón được làm hoàn bằng đôi bàn tay khéo léo của con người, để ra được một chiếc nón người làm phải thực hiện đúng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ,… 

Nguyên liệu của chiếc nón là lá non của cây Bồ Quy Diệp sau khi hái trên rừng đem về phơi sương rồi nức vàng và ủi cho phẳng. Sau đó, người làm phải khâu tạo khung và vành nón. Đây là công việc đòi hỏi người thợ có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận và khéo tay. Khung của nón lá sẽ bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. 16 vành như 16 vầng trăng được ve thật nhanh, thật tròn, thật nhẵn, thật điệu, sao cho cân đối và hài hòa nhất.

Nón bài thơ – Nét đẹp đặc trưng, niềm tự hào của người dân xứ Huế

Nón bài thơ không chỉ là nét đặc trưng cho văn hóa Huế, mà còn là nguồn cảm hứng cho những văn nghệ sĩ sáng tán nên những bài thơ về nón lá: 

“Áo trắng hỡi thửa tìm em chẳng thấy

Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền

Nón rất Huế nhưng đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng”

Hình ảnh cô gái Huế với chiếc nón lá bài thơ, khi che trên đầu, khi cầm trên tay, khi nghiêng nghiêng e thẹn đã tạo nên một vẻ đẹp rất Huế. Đã từ rất lâu rồi, khi nghe nhắc đến nón bài thơ, người ta liền nghĩ ngay đến Huế. Trong chiếc nón bài thơ Huế có biểu hiện những nét đẹp của cả một vùng văn hoá.

Chiếc nón bài thơ thanh mảnh, cầm trên tay nhẹ tênh, từ đường kim, cho đến vành nón tất cả đều thanh tao, nhỏ mà sắc nét. Nếu chỉ như vậy thì nón bài thơ cũng chưa có gì đặc biệt, làm sao để thổi được cái hồn Huế vào trong chiếc nón, vật dụng hàng ngày của người phụ nữ Huế. Và những câu thơ trên nón lá là một cách sáng tạo của người thợ làm nón ở Huế. Những câu thơ không phải đề bằng mực mà được cắt từ giấy, khéo léo ẩn dấu giữa hai lớp lá xanh, phải đưa nón lên dưới ánh mặt trời mới đọc được. Tâm tình của người Huế luôn kín đáo như vậy đấy. Có tình thôi chưa đủ mà phải có sự kiên trì, thử thách mới giải đáp được tâm hồn người con gái Huế. Và đó chính là điều bí mật của nón bài thơ xứ Huế. Dù chỉ là một chiếc nón bài thơ bé nhỏ nhưng người Huế cũng gửi vào đó một triết lý, một quan niệm sống sâu sắc.

Khung cảnh Huế mộng mơ, những con đường im mát, những cô gái Huế trong tà áo dài tha thướt đội nón lá bài thơ đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp tượng trưng của Huế. Hình ảnh ấy đã tác động đến đời sống nghệ thuật của mảnh đất này. Nếu có dịp đến đây đừng quên mua ít chiếc nón lá bài thơ xứ huế để làm quà, đừng quên ghé thăm những ngôi làng có truyền thống làm nón. Để cảm nhận hết vẻ đẹp văn hóa của xứ Huế, của đất cố đô.

XEM THÊM: Lễ Vu Lan trên đất Cố Đô