Lễ Vu Lan trên đất Cố Đô
Cứ vào dịp rằm tháng bảy hàng năm các chùa chiền ở Huế lại trở nên nhộn nhịp đến lạ. Hỏi ra mới biết đây chính là dịp lễ Vu Lan. Lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản Huế. Vào những ngày này du khách thập phương khắp nơi sẽ về Huế. Họ sẽ đến những ngôi chùa thắp hương và cầu nguyện cho người thân của mình. Mặc dù Vu Lan là một lễ hội của Phật Giáo, nhưng đối với đại đa số người dân Cố đô, dù theo đạo Phật hay không, cứ đến ngày 15/7 Âm lịch đều ngưỡng vọng hướng về ngày đặc biệt này. Hãy cùng Huế Smile Travel tìm hiểu qua về ngày này nhé!
Bắt nguồn của ngày lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn”. Do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn. Tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên. Và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên.
Ý nghĩa của lễ Vu Lan liên hệ đến sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên, vì muốn cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, đã nhờ đến đức Phật và được chỉ dạy rằng phải sắm sửa lễ cúng, nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương vào ngày rằm tháng Bảy mới có thể cứu được mẹ. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Ngày lễ Vu Lan người dân xứ Huế sẽ làm gì?
Đi chùa lễ Phật
Vào ngày này người dân nơi đây hầu hết đều đi chùa. Những chùa lớn như chùa Từ Đàm, Bảo Quốc, Thiên Minh, Từ Hiếu,…đều đông kín người. Phần lớn họ đến chùa để lễ phật, tụng kinh cầu nguyện cho gia đình và người thân của mình. Một số khác họ đi thăm mộ và thắp hương cho những người quá cố.
Ăn chay
Ăn chay trở thành thói quen thân thuộc của người Huế mỗi dịp ngày rằm, đặc biệt là trong những dịp lễ – rằm lớn như tháng 7.
Vào dịp lễ Vu Lan này hầu hết ở các chùa, các tăng ni đều đã chuẩn bị sẵn thức ăn để thết đãi du khách thập phương. Sau khi viếng chùa, lễ Phật, gặp buổi thọ trai, nhiều sinh viên và cả người hành khất cùng ngồi vào bàn ăn chung với nhau một bữa cơm chay gọi là “lộc chùa”. Điều đặc biệt hơn trong ngày này nhiều lò mổ, quán thịt đều đóng cửa, họ quan niệm rằng ngày Vu Lan là ngày xá tội cho tất cả chúng sinh.
XEM THÊM: Bỏ túi 5 quán cơm chay ngon nhất xứ Huế
Cầu nguyện – cài hoa để thể hiện lòng biết ơn
Xuất phát từ sự tích Tôn giả Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ, sau này hình thành nên quan niệm Vu Lan là mùa báo hiếu, vào hai ngày 14 và rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, các chùa ở Huế thường tổ chức tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ và người thân bằng quyến thuộc nhiều đời được siêu thoát, cha mẹ hiện tại được phước lạc vô biên.
Để đáp ứng tín ngưỡng báo hiếu của quần chúng, một số chùa còn lập đàn tràng chẩn tế, giải oan bạt độ, kết hợp với việc phóng sinh. Hàng vạn chúng sinh nhờ nghi lễ này mà được siêu thoát.
Ngoài ra các chùa sẽ tổ chức cài hoa hồng cho tất cả Phật tử và du khách đến lễ. Theo quy định với những ai có cha mẹ còn sống thì họ sẽ được gắn lên áo những bông hoa màu đỏ. Những ai có cha mẹ đã mất họ sẽ được gắn lên áo hoa hồng màu trắng. Đó như là sự biết ơn, tri ân đến những người đã sinh ra. Và đã có công lao to lớn nuôi dưỡng chúng ta nên người.
Làm từ thiện – chia sẻ đến những người có hoàn cảnh khó khăn
Vu Lan cũng là thời gian mà quý tăng ni trong Ban Từ thiện Phật giáo Huế không quên thể hiện lòng từ bi của mình bằng công tác từ thiện. Họ sẽ đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Và còn trao tặng những món quà có ý nghĩa. Những món quà đó tuy không quá cao về mặt vật chất nhưng về mặt tinh thần thì không gì so sánh được.
Huế dường như là cái nôi của Phật giáo, là nơi chứa đựng nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng. Nơi đây ước tính có hơn 1000 ngôi chùa lớn nhỏ, hầu như phường nào, làng nào cũng có chùa. Có lẽ chính về thế mà trong những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, thành phố Huế lại trở nên đông đúc, lại khoác lên hình ảnh màu lam hiền dịu, trang nghiêm. Huế Smile Travel chẳng ước mong gì nhiều chỉ mong Huế giữ mãi hình ảnh màu lam thân thương ấy… Để góp phần giữ vững nét đẹp hiền hòa cho dân tộc Việt Nam.
XEM THÊM: Điện Hòn Chén – Di tích ẩn chứa nhiều giai thoại kỳ bí
Dạ xin chào Quý Du Khách,
Chúng em là Hue Smile Travel – Du Lịch Nụ Cười Huế
Sứ mệnh của chúng em là mang lại niềm vui và hạnh phúc cho quý Cô Chú, Anh Chị và các Bạn qua mỗi chuyến du lịch; chúng em tin rằng ” chất lượng là nguồn sống, uy tín là hơi thở” sẽ giúp chúng em hoàn thành sứ mệnh và kết nối thêm nhiều chuyến du lịch ý nghĩa cùng quý Cô Chú, Anh Chị và các Bạn.