phap-lam-hue

Nghệ thuật Pháp Lam xứ Huế

Ngự trị trên đất Huế gần 150 năm, nhà Nguyễn ít nhiều cũng đã để lại một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ cho nơi đây. Trong đó, không thể không nhắc đến sản phẩm Pháp Lam – một loại hình mỹ thuật trang trí, một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Hãy cùng Huế Smile Travel khám phá và tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này nhé!

Xuất xứ của nghệ thuật Pháp Lam

Nghệ thuật chế tác Pháp lam được du nhập vào Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, bộ phận chuyên việc mỹ thuật, trang trí trong cung Nguyễn, học được nghề làm Pháp lam từ Trung Quốc. Nhà vua cho đặt Pháp lam tượng cục, gồm 15 người, do Vũ Văn Mai đứng đầu, chuyên sản xuất Pháp lam cho triều đình Huế. Xưởng chế tác Pháp lam được đặt ở khu Canh Nông trong Thành nội.

Ngoài ra, triều đình còn mở xưởng Pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) để sản xuất Pháp lam, đáp ứng các nhu cầu của triều đình. Pháp lam Huế khởi nguyên từ triều Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới triều Thiệu Trị sang đến triều Tự Đức thì phôi pha dần rồi mất hẳn.

Pháp Lam – loại hình mỹ thuật trang trí độc đáo

Pháp lam được xem là một báu vật xa xỉ, quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hoà (Đại Nội, Huế), điện Hoà Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị)… hoặc làm đồ dùng trong cung đình như bát, tô, đĩa, khay, chậu hoa, bình hoa, hộp trầu, hộp phấn… hoặc làm đồ thờ như lư trầm, bát hương, quả bồng…

XEM THÊM: Tranh làng Sình – dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất xứ Huế

Pháp lam Huế có nhiều loại hình sản phẩm, tuy nhiên chủ yếu tập trung thành ba nhóm chính:

    – Pháp lam trang trí ngoại thất các cung điện Huế.

    – Pháp lam trang trí nội thất và các đồ tự khí.

    – Pháp làm trạng trị đồ gia dụng.

Trong 3 loại này, được chú ý nhiều nhất là loại hình Pháp lam trang trí ngoại thất. Khi đến tham quan những đền đài lăng tẩm bạn hãy để ý những chi tiết trang trí hình rồng, mây, các ô hộc trang trí bát bửu, tứ quý… đấy chính là Pháp lam trang trí ngoại thất.

Pháp lam Huế chứa đựng những màu sắc tươi sáng lộng lẫy, có cường độ mạnh, nổi bật trên các phông màu xám cố hữu của các kiến trúc cổ kính rêu phong, tạo nên những điểm xuyết sinh động, làm cho các công trình kiến trúc vốn uy nghi, trầm mặc có thêm phần tươi sáng và thanh thoát.

Gìn giữ và phát triển nghệ thuật pháp lam xứ Huế

Trải qua gần hai thế kỷ tồn tại trong môi trường khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như xứ Huế, lại bị chiến tranh tàn phá, nên nhiều mảng pháp lam trang trí trên các cung điện Huế đã biến mất hoặc bị xâm hại nặng nề. Trong nỗ lực trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc thời Nguyễn – có dấu ấn của pháp lam Huế, nhiều nhóm chuyên gia bảo tồn đã dày công nghiên cứu chất liệu Pháp lam cổ, xây dựng phương pháp, kỹ thuật chế tác nhằm khôi phục Pháp lam Huế trong điều kiện các thư tịch, bí quyết đều thất truyền.

Ngoài trùng tu những công trình xưa cũ, người dân xứ Huế cũng đã phát triển và đẩy mạnh thêm 2 loại hình đó là pháp lam trang trí nội thất và pháp làm trạng trị đồ gia dụng. Các sản phẩm của kỹ thuật pháp lam hiện nay như các bức tranh treo tường đơn chiếc hoặc một bộ gồm nhiều tranh, các dạng đèn ngủ, đèn đường, bàn ghế, bình phong… trang trí nội ngoại thất, bình, lọ, bát pháp lam trang trí và các hộp đựng trang sức, mặt dây, vòng tay trang sức làm quà tặng. Những sản phẩm này dần dần được rất nhiều người đón nhận. Chúng không chỉ làm nên nét độc cho mảnh đất cố đô mà còn giúp phát triển nghệ thuật truyển thống đã bị mai một suốt bao lâu nay.

Đến du lịch Huế khi tham quan ở những đền đài lăng tẩm bạn đừng bỏ qua những kiến trúc pháp lam nhé. Đặc biệt khi đến Lăng Khải Định, bạn sẽ vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng nghệ thuật pháp lam ở nơi đây đấy.

XEM THÊM: Bảo tàng cổ vật cung đình Huế – Nơi lưu giữ nét văn hóa cố đô

Một số tour du lịch huế giá rẻ