Nhà Nguyễn – Triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

Trải qua 143 năm, từ lúc được thành lập sau khi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi hoàng đế năm 1802 đến khi kết thúc vào năm 1945 vua Bảo Đại thoái vị, triều đại Nhà Nguyễn là triệu đại đánh dấu nhiều sự thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19.


Dù rằng phong trào Tây Sơn là những người đầu tiên thực hiện việc chấm dứt chia cắt, phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài nhưng Nhà Nguyễn là triều đại đã hoàn thành quá trình đó. Triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Minh Mạng  đều lo củng cố vương quyền đồng thời củng cố chủ quyền dân tộc, chống mọi sự vi phạm, xâm lược từ bên ngoài và bên trong. Nhưng trở về sau thì quân Pháp qua xâm lược, chống phá triều đình làm kinh tế kiệt quệ.

Ngoài ra các thành tựu của triều đại Nhà Nguyễn nổi bật nhất là quần thể cung điện nhà vua ở Huế và các lăng tẩm: Nội thành Huế, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, cột cờ Hà Nội,… còn có nhã nhạc cung đình Huế, các món ăn như nem công chả phượng,… cũng được lưu danh sách sử.

1. Vua Gia Long.

Vua Gia Long thường được gọi là Nguyễn Ánh, sinh vào ngày 8 tháng 2 năm 1762 là con trai thứ ba của vương tử Nguyễn Phúc Luân và Nguyễn Thị Hoàn. Vốn là một võ tướng nên vua Gia Long vô cùng mạnh mẽ, là một nhà chính trị, nhà quân sự người Việt Nam, vị vua sáng lập nhà Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử đất nước Việt Nam.


Trong suốt thời gian trị vì từ năm 1802 đến năm 1820 thì qua đời, ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Gia Long, nên thường được gọi là Gia Long Đế, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ. Vua Gia Long lên ngôi là nhờ chiến thắng sau cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn chứ không phải bằng một chiến thắng chống giặc ngoại xâm lẫy lừng như các vương triều trước. Sự lên ngôi không làm cho mọi việc ngay thẳng, không có địa vị, bổn phận chính đáng là một trở lực không nhỏ trong việc cai trị một triệu đại.

Lăng tẩm còn đây lưu hậu thế
Hoàng Đế Gia Long đấng khai triều
An nghỉ ngàn năm trong lòng đất
Theo vầng nhật nguyệt đá rong rêu

Một thuở gian sơn tay gầy dựng
Một thời bôn tẩu dấu binh đao
Đất Bắc Nhà Nam chung một mối
Ngôi trời Thiên Tử một vì sao

Băng hà đất mẹ Thừa Thiên ngự
Hậu tộc hương dâng khói lưng trời
Về ngang xứ Huế nghe niềm nhớ
Một đấng Tiên Vương tiếng để đời!

 

 

Nghĩa tình vợ chồng sắt son giữa vua Gia Long và Hoàng hậu Thừa Thiên Cao khiến nhiều người cảm động, nhất là thông qua những việc vua làm sau khi Hoàng hậu qua đời. Vào năm 1814, vua vì quá thương nhớ Hoàng hậu nên đã quyết định xây dựng lăng mộ phần mô phỏng lễ hợp lăng của người xưa để sau băng hà cũng được an táng bên cạnh người tri kỷ của mình. Lúc sinh thời hai người đã có những tháng ngày đồng cam cộng khổ bên nhau, tình cảm thắm thiết êm đẹp tuyệt vời nên lúc mất đi, vua vẫn muốn được trọn đời, trọn kiếp bên người vợ đã cùng mình trải qua cả cuộc đời. Đây cũng chính là lý do lăng mộ vua Gia Long trở thành công trình lăng tẩm độc đáo khác biệt so với các lăng mộ khác.

2. Vua Mịnh Mạng.

Vua Minh Mạng hay Minh Mệnh, là vị vua thứ hai của triều Nguyễn trị vì từ năm 1820 đến khi ông qua đời vào năm 1841, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thánh Tổ. Trong thời kì ông làm vua được xem là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn.


Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu. Ông là hoàng tử thứ bốn của vua Gia Long và mẹ là bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Ông sinh 25 tháng 5 năm 1791 tại làng Tân Lộc, gần Gia Định, trong lúc đang xảy ra Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn (1787 – 1802).
Vua Minh Mạng khi lên ngôi đã xin triều đình Mãn Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một quốc gia ở phương Nam rộng lớn. Tuy nhiên triều đình Mãn Thanh không chính thức chấp thuận. Tuy nhiên đến ngày 15 tháng 2 năm 1839, nhà vua vẫn đã chính thức công bố quốc hiệu Đại Nam và tồn tại đến năm 1945.


Trong việc dùng người vị vua thứ hai của Triều Nguyễn chú trọng cả tài, đức và đặc biệt là học vấn. Ông cho rằng người không học thì không rõ pháp luật, khi xử đoán sai thì pháp luật khó dung, như thế sẽ làm hại dân. Việc dùng người của nhà vua luôn gắn liền với mục đích muốn yên dân. Muốn yên dân thì quan phủ huyện không được phiền nhiễu dân, tham nhũng. Vì vậy, vua Minh Mạng đã luôn nghiêm trị nhiều viên quan tham nhũng.

 

3. Vua Thiệu Trị.

Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Dung sau cải thành Nguyễn Phúc Miên Tông, là vị vua thứ ba của nhà Nguyễn nước Đại Nam. Ông thừa kế thế vị vua cha là Minh Mạng, trị vì từ năm 1841 đến khi qua đời năm 1847, tổng cộng 7 năm. Trong thời gian trị vì ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Thiệu Trị nên thường được gọi theo tên này, được truy tôn miếu hiệu là Hiến Tổ.

 

 

Ông sinh 16 tháng 6 năm 1807, là đích trưởng tử của vua Minh Mạng, mẹ là bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa. Mới 13 ngày sau khi sinh hạ vua Thiệu Trị, bà Hồ Thị Hoa qua đời, ông được Hoàng tổ mẫu là Nhân Tuyên Hoàng thái hậu đích thân chăm sóc và nuôi dưỡng tới lúc trưởng thành.

Vua Thiệu Trị lên ngôi ngày 11 tháng 2 năm 1841 ở điện Thái Hòa, vừa đúng lúc đó là 34 tuổi. Vua Thiệu Trị được sử sách ghi lại là một ông vua thông minh, hiền hòa, siêng năng cần mẫn tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca. Nhưng Vua Thiệu Trị lại không đưa ra những cải cách gì mới mà chỉ duy trì các chính sách kinh tế, hành chính, quân sự, luật pháp, giáo dục,… từ thời vua cha – Minh Mạng. Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, chính sách bành trướng của cha ông tức là vua Minh Mạng đã khiến lãnh thổ Đại Nam đạt đến mức rộng lớn nhất trong lịch sử.

 

4. Vua Tự Đức.

Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì, là vị vua thứ tư của triều Nguyễn. Là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của triệu đại nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Trong suốt thời gian trị vì của mình ông chỉ sử dụng duy nhất một niên hiệu là Tự Đức nên thường được gọi với tên này, sau này ông được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Dực Tông.


Vua Tự Đức sinh ngày  22 tháng 9 năm 1829 tại Huế, là con thứ nhưng là đích tử của vua Thiệu Trị và Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ). Vì anh trai của ông, Nguyễn Phúc Hồng Bảo là một người không chịu học hành mà lại ham chơi, mê cờ bạc, nên vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để lại di chiếu truyền ngôi cho ông. Được biết lúc bấy giờ ông mới 19 tuổi nhưng học hành đã uyên thông, thông thái.

Triều đại của vua Thiệu Trị – vị vua thứ tư đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và xảy ra nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam. Quân đội nhà Nguyễn ngày càng suy yếu, kinh tế thì trì trệ, trong khi nhiều cuộc nỗi loạn diễn ra trong cả nước. Vào năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Triều đình nhà Nguyễn lúc đó ngày càng bất lực trước sự tấn công dồn dập của Pháp, chỉ mong có thể cắt đất cầu hòa. Cuối cùng tới năm 1883, Vua Tự Đức qua đời, Pháp tấn công vào kinh đô ngay sau đó và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự “bảo hộ” của Pháp trên toàn đất nước Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Vua Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, vua Nguyễn chỉ còn là bù nhìn, thực tế thì đã mất nước vào tay Pháp.

5. Vua Dục Đức.

Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân, là vị vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn. Ông lên ngôi vua ngày 19 tháng 7 năm 1883 nhưng tại vị chỉ được ba ngày, ngắn nhất trong số mười ba vị vua của triều Nguyễn được vua Thành Thái truy tôn miếu hiệu là Cung Tông, thụy hiệu là Huệ Hoàng đế. Cái tên Dục Đức là tên gọi khi ông còn ở Dục Đức Đường.
Dục Đức sinh ngày 23 tháng 2 năm 1852 tại Huế. Ông là người con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y (con trai thứ tư của vua Thiệu Trị) và bà Trần Thị Nga.


Vào giờ Thìn (11-13 giờ) ngày 19 tháng 7 năm 1883, Tự Đức qua đời ở điện Càn Thành, đưa di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, và dùng Trần Tiễn Thành làm Phụ chính Đại thần, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm Đồng Phụ chính Đại thần.


Sau khi lên làm vua được 3 ngày thì hai quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết được sự đồng ý của Thái hoàng Thái hậu, liền ra chỉ đưa ra bằng chứng: Vua Dục Đức muốn sửa di chiếu của vua cha – Vua Tự Đức, vào đại tang của Vua Tự Đức mà mặc áo tang màu, tự tiện đưa một giáo sĩ vào Hoàng thành, thông dâm với nhiều cung nữ của vua cha, chính thức phế truất ông vào ngày 23 tháng 7 năm 1883 giáng xuống làm Thụy quốc công như trước và giam ở nơi ở cũ là Dục Đức đường, rồi chuyển sang viện Thái y và cuối cùng là Ngục thất trong Kinh thành Huế.

6. Vua Hiệp Hòa.

Vua Hiệp Hòa tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật sau khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thăng, là vị vua thứ sáu của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Thời gian trị vì của ông là 4 tháng 10 ngày tổng cộng 130 ngày, ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Hiệp Hòa nên thường được gọi theo tên này.


Vua Hiệp Hòa sinh vào ngày 1 tháng 11 năm 1847, là con trai thứ 29, và cũng là út nam của vua Thiệu Trị, mẹ là bà Tam giai Thụy tần Trương Thị Thận. Năm 1883 sau khi Vua Dục Đức bị phế truất, hai Phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đề nghị lên Hoàng thái hậu Từ Dụ, đưa Lãng Quốc công lên làm vua. Khi đưa người đến rước vua về, dù năn nỉ mấy, Hồng Dật tức Vua Hiệp Hòa cũng không đi, nên cuối cùng phải dùng đến vũ lực mới đưa được ông vào Tử Cấm thành. Hai hôm sau, 30 tháng 7 năm 1883, Hồng Dật lên ngôi vua và lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

7. Vua Kiến Phúc.

Vua Kiến Phúc tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng là vị vua thứ bảy của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi tại vị được 8 tháng từ ngày 2 tháng 12 năm 1883 thì qua đời. Được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Giản Tông, thuỵ hiệu Nghị Hoàng Đế, ông dùng niên hiệu là Kiến Phúc nên còn được gọi là Kiến Phúc Đế.


Kiến Phúc sinh vào ngày 12 tháng 2 năm 1869 tại Huế, là con thứ ba của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai (em ruột vua Tự Đức, sau được tôn là Thuần Nghị Kiên Thái vương) và mẹ là bà phủ thiếp Bùi Thị Thanh.


Dưới thời của vua Kiến Phúc, ngày 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế đã kí với thực dân Pháp bản Hòa ước Giáp Thân, mặc dù được xem là có chỉnh lý một số điều so với bản Hòa ước Quý Mùi nhưng về cơ bản vẫn công nhận sự “bảo hộ” của Pháp đối với đất nước Việt Nam. Giữa lúc đất nước rối ren, nhiều phe phái như thế, thì vua Kiến Phúc mất vào 31 tháng 7 năm 1884, hưởng dương 15 tuổi.

8. Vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch là vị vua thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.


Vua Hàm Nghi sinh ngày 3 tháng 8 năm 1871. Ông là con trai thứ năm của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và mẹ là bà Phan Thị Nhàn. Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 sau khi vua đời trước mất Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi đời.
Năm 1885, sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát chiếu Cần Vương chống lại thực dân Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước đánh đuổi thực dân Pháp. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem giam lỏng ở Alger và năm 1943 qua đời tại đây vì bệnh ung thư dạ dày. Do áp lực từ phía Pháp nên nhà Nguyễn không lập được miếu hiệu cho ông.


Ngày nay, trong lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các vua Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.

9. Vua Đồng Khánh.

Vua Đồng Khánh tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Thị và Nguyễn Phúc Ưng Đường, là con nuôi của vua Tự Đức. Lên ngôi lấy tên là Nguyễn Phúc Biện là vị vua thứ chín của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ông tại vị từ năm 1885 đến 1889. Sau khi trị vì được 4 năm vào đầu năm 1889, vua Đồng Khánh nhuốm bệnh nặng và qua đời khi còn khá trẻ, miếu hiệu là Cảnh Tông.


Năm 1885, sau sự thất bại của triều đình trong trận Kinh thành Huế trước quân đội Pháp, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết thì bỏ chạy ra Quảng Trị. Người Pháp đã thảo luận và lập ông lên làm vua, lập ra chính quyền Nam triều dưới sự “bảo hộ” của Pháp.
Một trong những công trạng lớn nhất của vua Đồng Khánh là khi còn tại vì đã đòi lại kho báu của triều đình Nhà Nguyễn bị Pháp cướp đi sau khi Kinh thành Huế thất thủ. Chính phủ Pháp đã đồng ý trao trả lại 1/2 số vàng bạc và báu vật cướp được. 

10. Vua Thành Thái.

Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Chiêu, là vị vua thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn. Ông tại vị từ 1889 đến 1907, lúc lên ngôi khi đó mới 10 tuổi, lấy hiệu là Thành Thái. Ông là con thứ bảy của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điều sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão tức 14 tháng 3 năm 1879 tại Huế.

Triều đại của vua Thành Thái khác các triều đại trước đó ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bảo tỷ ấn ngọc. Bởi vì khi rời khỏi Kinh thành Huế lúc trước, vua Hàm Nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Vua Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt ví như những ngày đầu tiên, tuy đã là vua nhưng vì còn bé nên ông vẫn thích chơi bời và nghịch ngợm.


Vua Thành Thái được đánh giá là vị vua cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho còn học cả tiếng Pháp và cũng cho con cái của mình cùng theo học chữ Pháp. Mặc dù không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông dùng những chữ Pháp đã được học để có thể giao tiếp với tinh thần chống Pháp. Ông còn để ý đến cả các loại vũ khí ngoài ra vua cũng rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ những tính cách đặc biệt đó mà vị vua thứ 10 có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách vượt bậc.

Do cùng chống Pháp nên ông cùng với các vua là Hàm Nghi và Duy Tân bị đi đày tại ngoại quốc. Là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc nên ông không có miếu hiệu.

11. Vua Duy Tân.

Vua Duy Tân tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 19 tháng 9 năm 1900 tại Huế, là con thứ 8 của vua Thành Thái và mẹ là bà hoàng phi Nguyễn Thị Định. Ông trị vì đât nước từ năm 1907 đến năm 1916.


Khi vua cha (vua Thành Thái) bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi mới 7 tuổi. Người Pháp chọn vua Duy Tân vì “nhỏ tuổi, dễ bề sai khiến” nhưng không hề hay biết ông dần dần có thái độ bất hợp tác với Pháp. Vào năm 1916, lúc ở châu Âu có cuộc Đại chiến trong Chiến tranh thế giới, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ của Việt Nam Quang phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Tuy nhiên, dự định bị bại lộ và Duy Tân bị bắt vào ngày 6 tháng 5 và đến ngày 3 tháng 11 năm 1916 ông bị đem giam lỏng trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.


Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939- 1945) vua Duy Tân gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức. Ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hòa Trung Phi vào ngày 26 tháng 12 năm 1945, lúc đó ông mới 45 tuổi. Đến ngày 28 tháng 3 năm 1987, thi hài ông được đưa từ Cộng hòa Trung Phi về Việt Nam, rồi được an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái.

12. Vua Khải Định.

Vua Khải Định tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là vị vua thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Là con trưởng của vua Đồng Khánh và mẹ là bà Dương Thị Thục. Ông sinh vào ngày 8 tháng 10 năm 1885 lên ngôi vua từ 1916 đến 1925. Ông được truy tôn miếu hiệu là Hoằng Tông.


Vua Khải Định bị đánh giá là một vị vua yếu đuối, thiếu quyết đoán, không dám đứng lên trước Pháp, không những không quan tâm chính sự triều đình mà suốt quá trình trị vì chỉ ham chơi bời, tiêu sài hoang phí, cờ bạc,… Ông còn tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ, còn rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, không tuân theo y phục hoàng tộc truyền thống. Do vậy, ông thường bị đả kích và bị khinh thường bởi báo chí và các phong trào yêu nước Việt Nam đương thời.


Trong bức thư Thư thất điều hay còn gọi Thất điều trần, Phan Châu Trinh chỉ gọi tên húy là Bửu Đảo chứ không gọi vua Khải Định, và trách Khải Định tội “ăn mặc lố lăng”. Trong thư chỉ ra 7 tội sau:

Một là tội tự tôn quân quyền
Hai là tội thưởng phạt không công bình
Ba là chuộng sự quỳ lạy
Bốn là tội xa xỉ vô đạo
Năm là tội phục sức không đúng phép tắc
Sáu là du hạnh vô độ
Bảy là tội Pháp du ám muội
(đi Pháp với mục đích không chính đáng)

Ngô Đức Kế đã làm 4 bài thơ liên tiếp để đả kích, trong đó có một bài như sau:

Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông?
Một lễ tứ tuần vui lũ trẻ,
Trǎm gia ba chục khổ nhà nông.
Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến,
Nǎm ngoái sang Tây ỉa vãi cùng?
Bảo hộ trau rồi nên tượng gỗ,
Vua thời còn đó, nước thời không!

Vua Khải Định cũng không được lòng dân chúng. Ở Huế nhân dân đã truyền tụng câu ca dao phổ biến về vua như sau:

Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây,
Nghề này thì lấy ông này tiên sư!

13. Vua Bảo Đại.

Vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là vị vua thứ 13 và cuối cùng trong triều đại nhà Nguyễn cũng như của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.

Sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 tại kinh thành Huế, là con trai duy nhất của vua Khải Định và mẹ là bà Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của vua Bảo Đại cho đến nay vẫn còn nhiều ẩn số, vì theo các ghi chép lại của lịch sử thì vua Khải Định bị cho là vô sinh và không thích gần phụ nữ.


Năm 1925 Vua Bảo Đại lên ngôi khi đất nước Đại Nam vẫn còn dưới thời Pháp thuộc. Đến năm 1945, ông tuyên cáo công bố Việt Nam độc lập và là vị vua đầu tiên của Đế quốc Việt Nam dưới sự sắp xếp của phát xít Nhật. Trong Cuộc Cách mạng Tháng Tám vào cùng năm, vua Bảo Đại ban bố với thiên hạ mình sẽ thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn sau 143 năm và sự thống trị của dòng họ Nguyễn Phúc từ năm 1558.
Năm 1948 giữa bối cảnh Chiến tranh Đông Dương đang diễn ra, Bảo Đại chấp nhận đứng ra đại diện cho các đảng phái hợp tác với Liên hiệp Pháp thành lập nên Quốc gia Việt Nam  để chống lại chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Sau đó vì nghĩ ông đã hợp tác với Liên hiệp Pháp, chống lại phong trào kháng chiến của dân tộc Việt Nam nên Bảo Đại bị kết tội phản quốc. Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất ông vào năm 1955 để thành lập Việt Nam Cộng hòa. Từ đó trở đi, Bảo Đại đến sống lưu vong ở Pháp tới khi qua đời.

 

 

Tâm Anh