di-trong-mua-xu-hue

Đi trong mưa xứ Huế

Máy bay chưa hạ cánh, Huế đã chào chúng tôi bằng cơn mưa. Những người địa phương tỏ vẻ ngần ngại cho du khách ở xa đến, trấn an chúng tôi: “Mưa từ tối, chắc tạnh sớm thôi!” Thế nhưng, Huế đã đãi chúng tôi cả 24 giờ mưa dai dẳng.

Tháng 10 năm ngoái, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế có ý tưởng đưa mùa mưa ở Huế thành sản phẩm du lịch; bởi mùa mưa ở đây thường từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau mới dứt. Khi ấy, những người bạn của tôi làm dịch vụ lữ hành ở Huế tâm sự rằng, mưa xứ Huế đã được đưa vào thơ ca rất trữ tình, nhưng nếu du khách đến Huế vào mùa mưa thì có gì để hấp dẫn?

ao-dai-4 1440998057

Đền Huyền Trân yên bình qua màn mưa

Theo lịch trình chúng tôi đến vùng núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây, thành phố Huế, nơi toạ lạc đền thờ Huyền Trân công chúa. Đã hết tết nhưng làng xóm hai bên đường vào đền vẫn còn nét xuân, cây hoa mai, hoa đào trước nhà dân vẫn nở kín cành. Nghe mưa rả rích, nhưng cảnh vật chẳng buồn trong mắt tôi. Bỗng tiếng chuông vọng lại trong mưa nghe man mác, Công Lý – cô bạn ở Huế bảo, đó là tiếng chuông Hoà Bình từ trên đỉnh Ngũ Phong. Dù nắng hay mưa, cứ năm phút tiếng chuông từ núi Ngũ Phong gióng lên một lần. Xe dừng trước cổng đền, trước mắt chúng tôi là một vườn hoa đào hồng cả không gian, trong mưa hoa đào càng đẹp khiến không thấy vẻ u tịch của núi rừng.

Đền công chúa ở giữa núi đồi, rừng thông xanh mướt trải dài thoai thoải từ cổng lên đỉnh núi như thể mời mọi người cứ tiến dần lên. Chúng tôi vào điện chính thờ công chúa Huyền Trân, tượng công chúa ngồi trên ngai cao đúc bằng đồng với khuôn mặt phúc hậu, dáng vẻ uy nghiêm; nhưng ngay phía sau điện chính là lầu bát giác với tượng ni sư Hương Tràng (pháp danh của công chúa) dáng vẻ khiêm nhẫn của một người tu hành. Câu chuyện về công chúa Huyền Trân bước lên thuyền hoa làm dâu Chiêm quốc để hai châu Ô, Lý trở thành vùng đất Thuận Hoá của Đại Việt (gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế ngày nay) đã cho mọi người hiểu vì sao Thừa Thiên – Huế cho xây dựng đền thờ bà ở đây. Và, đền thờ bà không lẻ loi trong khuôn viên đến 28ha còn có đền thờ vua Trần Nhân Tông phía trên núi, tháp chuông Hoà Bình ở độ cao 108m, vườn Bồ Đề, thiền đường, thư viện… hợp với rừng cây chung quanh tựa “sơn mạch tả hữu trườn xuống như hai bức tường thành” – làm thành một trung tâm văn hoá Huyền Trân để mọi người đến chiêm bái và vãn cảnh. Mặc mưa khá nặng hạt, vẫn có vài cô gái mặc áo dài, cầm dù bước chậm rãi trên những lối đi; tôi bắt chuyện làm quen. Các cô bảo, “áo dài, nón lá là nét duyên của Huế, những nơi thâm nghiêm như ở đây mới thấy càng yêu Huế!”

Tiếc thiếu chỗ ngắm sông Hương trong mưa

Bữa ăn trưa được các anh chị ở Huế chuẩn bị ở nhà hàng nổi Sông Hương gần cầu Tràng Tiền để cho chúng tôi ngắm sông Hương êm đềm. Thế nhưng, trời mưa khiến chủ nhà áy náy. Chúng tôi bảo, thật ra nhìn mưa rơi lên mặt sông, thỉnh thoảng từng cơn gió xoắn lấy những dòng mưa đang nhảy múa trên mặt nước mà nghĩ mình đang ngồi trong nhà hàng xem nhạc nước trên sông Hương thì sẽ thấy mưa Huế nào có buồn!

Huế Xưa – Huế Nay là một điểm du lịch nằm trên bãi bồi Đập Đá trên sông Hương. Qua chiếc cầu nhỏ, chúng tôi vào ngôi nhà hình chiếc nón lá khổng lồ để uống trà, càphê, xem biểu diễn ca Huế và võ thuật cổ truyền. Ngoài trời mưa lạnh, đặt mỗi tách trà, càphê lên chiếc lò bé xíu đốt bằng đèn cầy để giữ nóng làm khách ấm lòng, vừa nghe giọng ca ngọt ngào của các cô gái Huế; khi ấy cảm nhận Huế mới trữ tình làm sao.

Theo lời mách của các anh chị ở Huế, chúng tôi lên tầng thượng của khách sạn năm sao Imperial, nơi nhìn rộng nhất cảnh sông Hương và cầu Tràng Tiền, chính trời đang mưa mới thấy Huế đẹp và thơ mộng. Song đáng tiếc là không có chỗ ngồi để ngắm, có lẽ khách sạn này chưa nghĩ tới chuyện đem lại sự thú vị cho du khách đến Huế ngày mưa. Các khách sạn Hương Giang, Century, Modial cũng có những khoảng không nhìn ra sông Hương rất đẹp, nhưng cũng không có chỗ thích hợp để du khách ngắm những chiếc thuyền nhỏ chầm chậm trôi trên sông trong màn mưa.

Nhiều du khách nước ngoài cũng có vẻ thích cảm nhận mưa Huế, họ thuê xích lô đi quanh thành phố, hoặc ra bến thuyền thuê người chở đi trên sông. Còn chúng tôi cũng thuê xích lô nhưng đến quán bánh bèo Hàng Me, rồi ra đường Lý Thường Kiệt làm thêm một tô bún bò. Hình như mưa Huế làm du khách mau đói…?

Xem thêm: Cẩm nang du lịch Huế